Learn how to learn - Não bộ và phương pháp Pomodoro

02 Jan 2020 - trungthanhnguyen

1. Cấu trúc não bộ

Não bộ có thể coi là vật thể có cấu trúc phức tạp nhất vũ trụ. Nó phức tạp tới mức trong hàng thế kỉ qua, những gì người ta biết về não bộ chỉ là một phần rất rất nhỏ, chẳng khác nào giọt nước trong đại dương. Có những điều người ta chẳng thể lí giải nổi như việc 1 sinh viên có thể đọc đúng được 100.000 chữ số thập phân của số PI, 1 người có thể nhớ được từng chi tiết nhỏ trong cuộc đời mình hay 1 người chị tự nhiên có kí ức của người em song sinh. Còn rất nhiều bí ẩn về não bộ mà chúng ta cần khám phá - bộ não của chúng ta chính là một vũ trụ thu nhỏ.

Cấu trúc: bộ não con người bao gồm khoảng 100 tỷ nơ-ron (neural) - gấp 1000 lần số ngôi sao trong thiên hà milky way (giải ngân hà của chúng ta). Các nơ-ron có thể liên kết với 10.000 nơ-ron khác. Một bộ não người bình thường có trung bình khoảng 10^15 (1 triệu tỷ liên kết). Thứ tạo nên sức mạnh của não bộ: suy nghĩ, tính toán, cảm xúc, kí ức, lưu trữ, kể cả những linh cảm… chính là những mối liên kết này. Một con ong có khoảng 7000 nơ-ron, đủ để nó xây dựng và vận hành cả một “đế chế”, tính toán khoảng cách hút mật, sinh sản, chăm sóc con non, điều khiển, giao tiếp, chiến đấu kẻ thù… Bộ não của chúng ta có số lượng nơ-ron gấp hàng trăm triệu lần, số liên kết gấp hàng trăm tỷ bộ não của loài ong.

Tất cả điều đó cho thấy chúng ta đang sở hữu một siêu siêu máy tính khủng cỡ nào. Điều đó cũng có nghĩa là nếu biết tận dụng, bất kì ai cũng có thể trở thành thiên tài. Tuy nhiên, dù được ban phát cho 1 chiếc siêu máy tính nhưng chúng ta chẳng ai có quyển sách hướng dẫn sử dụng.

2. Focus mode và diffuse mode

Cơ chế học: Khi chúng ta học hỏi những kiến thức mới, những liên kết mới dần được tạo ra, hình thành những thói quen, khả năng suy nghĩ, tính toán, những ghi nhớ, kí ức mới. Để dễ hiểu, bạn thử khoanh tay trước ngực lại (giả sử phải trên-trái dưới), khá dễ dàng đúng không. Bây giờ thử đảo tay trái trên-phải dưới xem, khá ngượng đúng không. Thử làm lặp đi lặp lại như vậy 15 lần, bạn sẽ thấy bạn không còn ngượng nữa. Điều đó là do não bộ chúng ta vừa tạo ra các liên kết mới, học được điều mới.

Khả năng học của bộ não rất lớn, và hầu hết mọi người đều không học đúng cách. Và nếu hiểu thêm về bộ não, quá trình học hỏi sẽ dễ dàng hơn, đỡ mệt mỏi hơn.

Các nhà khoa học thấy rằng quá trình suy nghĩ được chia làm 2 loại: chế độ tập trung (focus mode) và chế độ “phân tán” (diffuse mode). Focus mode quen thuộc với chúng ta, điển hình khi chúng ta chú tâm vào giải một bài toán, nghĩ giải pháp cho một vấn đề hoặc đọc một cuốn sách. Ngược lại, hầu hết người bình thường không để ý nhiều hay biết nhiều về diffuse mode. Đó là khi chúng ta để dòng suy nghĩ lan man, lang thang, hoặc ở cấp độ mạnh hơn là suy nghĩ vô thức.

Để dễ tưởng tượng, ta hãy tưởng tượng cách bộ não suy nghĩ như trò chơi binball. Trong trường hợp bên phải, do số lượng các điểm xanh dày đặc nên có vẻ như viên bi sẽ nảy quanh một khu vực nhất định trong các lần bắn. Nó tương tự như khi ta suy nghĩ ở chế độ tập trung (focus), ta có kiến thức nhất định về dạng toán đó, có sẵn lối tư duy từ trước nên ta sẽ suy nghĩ theo lối đó, cố gắng liên hệ với những gì ta đã làm trong quá khứ. 

Tuy nhiên, trong trường hợp ta chưa gặp dạng toán đó bao giờ, não bộ chưa có sẵn các liên kết đó. Chúng ta rơi vào tình trạng suy nghĩ lan man, mò mẫm, miền suy nghĩ rộng hơn giống như viên bi chạy lung tung trong một vùng rộng.

Cả hai cơ chế này đều có ưu điểm: focus mode giúp ta đào sâu vào một vấn đề (nhưng suy nghĩ theo lối mòn). Trong khi đó, diffuse mode giúp ta sáng tạo ra những giải pháp mới mới, góc nhìn mới (think outside the box).

Người ta nhận thấy rằng hầu hết những thiên tài hội hoạ, âm nhạc, toán học … đều có khả năng “nhảy” qua lại giữa 2 chế độ này. Điển hình là Edison, ông thường ngồi thư giãn trên ghế với li rượu, lang thang trong miền suy nghĩ và thiếp vào giấc ngủ. Đột nhiên trong giấc mơ xuất hiện 1 ý tưởng mơ hồ nào đó, ngay lập tức ông bừng tỉnh và đưa cái ý tưởng mơ hồ vừa nghĩ ra từ diffuse mode nhảy sang focus mode để đào sâu hơn, hình dung rõ ràng và hiện thực hoá nó.

Như vậy: mấu chốt của vấn đề là bạn cần có khả năng “nhảy” qua lại giữa hai chế độ suy nghĩ này. Tất nhiên, chúng ta chưa phải thiên tài nên khó có sẵn khả năng đó, nhưng ta hoàn toàn có thể luyện tập được. Pomodoro chính là keyword cho chủ đề này.

3. Practice - Permanent

Trước khi tìm hiểu về Pomodoro, ta đào sâu hơn vào việc học. Khi chúng ta học một kiến thức gì mới, các liên kết nơ-ron được hình thành trong suốt quá trình học. Kể cả những khái niệm vừa học đó còn khá mơ hồ, có vẻ trìu tượng thì những liên kết nơ-ron về nó là có thật và hữu hình (“real and concrete” mình k biết dùng từ nào trong tiếng việt hay hơn). Những liên kết mới hình thành này còn là liên kết yếu, còn ít. Bằng việc nghĩ đi nghĩ lại về những kiến thức này, các liên kết nơ-ron dần trở lên mạnh hơn, rộng hơn và nhiều hơn. Đó chính là tác dụng của việc thực hành nhiều lần khi học 1 thứ gì đó mới. Đây là điển hình của câu nói của nhà văn Lỗ Tấn “Kỳ thực trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”.

Để tiếp thu kiến thức tốt hơn, ta cần có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi xen kẽ. Trong khoảng thời gian này, não bộ vẫn tự động suy nghĩ mơ hồ về các khái niệm vừa học cùng những thứ linh tinh khác. Điều này khá quan trọng vì não bộ đang tự động ôn luyện và định vị kiến thức mới trong không gian bộ nhớ, khiến chúng ta có cái nhìn bao quát và toàn diện hơn về vấn đề mới tiếp nhận. Đó chính là tác dụng lớn của việc chuyển từ focus mode sang diffuse mode. 

Điều này cũng chứng tỏ rằng việc bạn học mỗi ngày một chút sẽ có tác dụng gấp nhiều lần học nhồi nhét. Giống như việc học tiếng anh trong một tuần, bạn học 2 tiếng đều đặn mỗi ngày có tác dụng hơn việc bạn học nhồi nhét trong 3 ngày đầu và sau đó nghỉ ngơi 4 ngày còn lại. Vì trong giấc ngủ của bạn, các liên kết mới này vẫn đang dần hình thành và củng cố. Và tất nhiên, giải pháp để luyện tập hiệu quả cũng là pomodoro

4. Pomodoro

Sự trì hoãn là vấn đề hầu hết mọi người phải đối mặt. Khi chúng ta học một thứ gì đó mới hoặc điều gì không thích, não bộ tự động  kích hoạt vùng não liên quan tới nỗi đau. Đó là hiện tượng thường thấy khi chúng ta bị ép buộc học một điều gì đó, hoặc đọc mãi không hiểu và cảm thấy đau đầu. Khi đó, não bộ sẽ tự tìm cách thoát ra khỏi trạng thái đau đớn đó bằng cách chuyển sự chú ý của mình sang những thứ khác yêu thích hơn. Và khi đó bạn mất tập trung hoàn toàn. Điều quan trọng là “không lâu sau khi bạn vượt qua được sự cám dỗ đó, mọi sự đau đớn sẽ biến mất nhanh chóng”. Pomodoro là giải pháp cho vấn đề đó

Pomodoro: là 1 phương pháp học, 1 phương pháp quản lí thời gian cực kì hiệu quả. “làm 25p - nghỉ 5p” là cốt lõi của phương pháp này. Các nhà khoa học nhận thấy rằng: trung bình 1 người bình thường có khả năng tập trung thực sự trong vòng 25p, sau đó họ dần dần bị sao nhãng và phân tâm. Vậy hãy dùng đồng hồ bấm giờ và bắt đầu làm việc, hãy thực sự tập trung, không được phép nghĩ tới vấn đề khác, không làm việc vặt, k đi vệ sinh, không lướt facebook. Khi nào hết 25p, bạn thư giãn trong vòng 5p, có thể nghe 1 bản nhạc, lướt facebook, làm bất kì điều gì bạn muốn … Hết 5p lại quay về vòng lặp 25p - 5p. 

Hiệu quả của pomodoro tỷ lệ thuận với tính kỷ luật bản thân của bạn. Có thể do lúc đầu chưa quen, vì chuyển sang trạng thái 25p, chúng ta vẫn có xu hướng sao nhãng, nghĩ linh tinh. Tương tự khi hết 25p, chúng ta vẫn cố làm thêm 1 vài phút nữa, trong khi hết 5p lại cố thư giãn thêm. Để thực hiện phương pháp này, bạn cần tuân thủ đúng luật, không được phép dây dưa giữa hai trang thái làm-nghỉ. Đây chính là cách bạn luyện tập cho bộ não khả năng chuyển đổi nhanh chóng giữa focus mode và diffuse mode. Và cũng là cách giúp bạn luyện tập khả năng focus vào một việc nhanh chóng, vượt qua tình trạng đau đầu khi làm việc mình không thích. 

Ngoài ra Pomodoro cũng là 1 phương pháp quản lí thời gian cực kì tốt, tránh việc sau khi làm 1 việc gì đó, bạn nghỉ ngơi quá lâu khiến “tinh thần trì hoãn” lại lên cao. Giả sử bạn làm việc 8 tiếng 1 ngày, với phương pháp này nếu tuân thủ kỷ luật, bạn sẽ có 6 tiếng 30p để làm việc, 1h30p để nghỉ ngơi. 

Hiện nay có rất nhiều App pomodoro trên nhiều nền tảng, bạn chỉ cần gõ keywork “pormodoro”, “timer”, “worktimer” là sẽ ra. Tải về và tuân thủ những gì bạn đặt ra. Có thể bạn sẽ khó khăn trong 1 vài ngày đầu, nhưng dần sẽ quen và tính kỷ luật sẽ ngày càng được nâng cao, hiệu quả công việc lớn hơn

5. Kinh nghiệm bản thân

Do tính chất công việc thiên về nghiên cứu/research các thuật toán AI khó - những thuật toán cần nhiều giờ / nhiều ngày để đọc hiểu, nên khi làm việc mình cần tập trung cao độ. Mình bắt đầu áp dụng Pomodoro từ hồi năm 4 Đại Học. Mẹo để áp dụng đó là trong 25p làm việc, hãy tắt mạng trên điện thoại đi để đảm bảo bạn không bị làm phiền bởi các thông báo Facebook, Messenger. Sau khi tắt mạng, hãy đeo tai nghe vào và bật 1 bản nhạc baroque hoặc nhạc sóng não alpha. Thời gian đầu chưa quen, nghe những bản nhạc như vậy sẽ khiến bạn cảm thấy não đang căng ra, hơi nhức đầu. Nhưng sau một thời gian sẽ quen hơn, bạn sẽ rèn luyện được phản xạ: mỗi khi nghe thấy nhạc, não bạn sẽ tự động tập trung làm việc.

Dưới đây là 1 bản nhạc alpha mình nghe mỗi khi làm việc. 2 năm nay mình chỉ nghe duy nhất bài này: Gamma Binaural Beats GV165

Kết luận: Pomodoro chính là cách “tập gym” cho bộ não của mình. Hãy áp dụng nó, thực sự kỷ luật và nghiêm túc.

6. Nguồn tham khảo

https://www.brainfacts.org/

https://www.coursera.org/learn/learning-how-to-learn